Nội dung bài viết:
Theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 về Hủy bỏ hợp đồng:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định.
Hủy bỏ hợp đồng là một trong những quyền của các bên giao kết hợp đồng khi điều kiện hủy bỏ hợp đồng xảy ra. Theo quy định của Điều luật, một bên có thể thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau:
– Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận. Đối với trường hợp này, sự vi phạm này có thể là nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, có thể là sự vi phạm bất cứ điều khoản nào của hợp đồng. Nếu các bên đã thỏa thuận xác định đó là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng khi sự vi phạm đó xảy ra.
– Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Sự vi phạm của một bên luôn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Sự vi phạm đó có thể gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng tới mục đích giao kết hợp đồng của bên kia. Tuy nhiên, nếu sự vi phạm nghiêm trọng đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng.
– Trường hợp khác do luật quy định. Ngoài trường hợp các bên thỏa thuận hoặc một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, các bên còn có thể hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan có quy định về việc hủy bỏ hợp đồng. Trong những trường hợp khác do luật quy định, việc hủy bỏ có thể xảy ra ngay cả khi không có sự vi phạm của bất cứ bên nào trong hợp đồng mà có thể do các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc vì lý do khách quan dẫn đến mục đích giao kết hợp đồng không thể đạt được.
Về hình thức thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng: bên hủy bỏ phải thực hiện việc thông báo cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng. Pháp luật không giới hạn bất kỳ một hình thức thông báo nào, do đó bên hủy bỏ có thể lựa chọn bất kỳ hình thức thông báo nào được coi là phù hợp nhất.
Việc một bên hủy bỏ hợp đồng có thể gây thiệt hại cho bên kia nhưng bên hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại khi việc hủy bỏ được thực hiện trong các trường hợp được quy định tại Điều này và các điều khác có liên quan. Tuy nhiên, bên hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại khi không thông báo cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng nếu có thiệt hại xảy ra.
Như vậy, trong trường hợp của bạn bên cho thuê đã vi phạm nghĩa vụ về thời hạn thực hiện hợp đồng, đối tượng của hợp đồng khiến cho bạn không thực hiện được mục đích khi giao kết là thuê xe 16 chỗ để chở 14 người đi du lịch, vì xe 7 chỗ thì chắc chắn không thể đảm bảo sức chứa cho 14 người trong gia đình bạn cùng đi một xe được. Do đó, bên cho thuê đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, thuộc trường hợp bạn được quyền hủy bỏ hợp đồng với họ. Khi hủy bỏ thì bạn thông báo cho bên kia biết và không phải bồi thường thiệt hại.